Trong bài thí nghiệm này, chúng ta tìm hiểu sự phụ thuộc của thể tích theo nhiệt độ trong điều kiện áp suất không đổi, đồng thời kiểm nghiệm định luật Gay-Lussac. Dựa trên quy luật biến đổi của thể tích theo nhiệt độ, ta có thể ngoại suy giá trị của độ không tuyệt đối.
Nguyên lý phép đo

Thực nghiệm cho thấy rằng, ba đại lượng thể tích, áp suất và nhiệt độ của một chất bất kì, rắn, lỏng, khí, vô định hình… miễn rằng mang tính đồng nhất và đẳng hướng, luôn làm thành một hàm phụ thuộc, hay còn gọi phương trình trạng thái:
\(f(V,P,T)=0.\)Đối với khí lý tưởng, trạng thái được diễn tả qua phương trình Mendeleev-Clayperon:
\(pV=\nu RT,\tag{1}\)
trong đó \(\nu\) – lượng chất với đơn vị mol, \(R=8.31\,\mathrm{J/(mol\cdot K)}\) – hằng số khí lý tưởng. Thực ra, trước khi đúc kết thành phương trình (1), những quy luật của khí lý tưởng được tìm ra qua các định luật riêng rẽ, như định luật Gay-Lussac (diễn tả phương trình đẳng áp), định luật Boyle-Mariotte (diễn tả phương trình đẳng nhiệt) và định luật Charles (diễn tả phương trình đẳng tích). Trong thí nghiệm này chúng ta đi kiểm nghiệm định luật Gay-Lussac, diễn tả sự phụ thuộc tuyến tính của thể tích vào nhiệt độ trong điều kiện áp suất không đổi:
\(V\sim T.\tag{2}\)
Trong thí nghiệm này, nhiệt độ của cột khí được áp đặt bằng cách nhúng cột khí vào nước. Nhiệt độ của khí sẽ bằng với nhiệt độ của môi trường nước xung quanh. Mà nhiệt độ của nước ta có thể chủ động điều khiển và đo đạc.
Quy trình thí nghiệm
Chuẩn bị cột khí
– Cắm đầu bơm chân không vào miệng ống khí như hình 3.
– Dốc ngược ống khí và dùng bơm hút bớt khí ra làm giảm áp suất. Thuỷ ngân sẽ bị kéo vào bầu. Nếu thuỷ ngân không rơi xuống bầu, lắc nhẹ để thuỷ ngân rơi ra hết, tụ lại thành giọt.
– Cẩn thận quay ống khí sao cho đầu hở hướng lên trên, giọt thuỷ ngân sẽ nằm ở dưới đáy bầu nhưng trên miệng ống. Xả van bơm chân không thật nhẹ nhàng, khí bên ngoài lại tràn vào làm tăng áp suất về như cũ. Áp suất này sẽ đẩy giọt thuỷ ngân về một vị trí nào đó giữa ống. Lưu ý tránh làm giọt thuỷ ngân vỡ, nếu không, cần phải làm lại.

Chuẩn bị môi trường
Môi trường đang nói ở đây là nước sẽ đựng trong ống nghiệm. Toàn bộ ống khí sẽ được nhúng trong ống nghiệm đầy nước này. Lấy \(200\,\mathrm{ml}\) nước rồi đun lên đến \(90^\circ\mathrm{C}\) như hình 4. Nhiệt độ theo dõi qua cặp nhiệt điện, với màn hình quan sát LCD.

Khảo sát quá trình đẳng áp
– Rót nước \(90^\circ\mathrm{C}\) vào ống nghiệm như hình 5.
– Đặt ống khí với nút ngăn thuỷ ngân vào ống nghiệm.
– Luồn cặp nhiệt điện vào ống nghiệm để quan sát nhiệt độ.
Khí trong ống giãn nở, đến một lúc nào đó sẽ đạt đến thể tích tối đa, khi ấy ta sẽ bắt đầu tiến hành phép đo. Cứ sau 5 phút lại lấy giá trị nhiệt độ \(t\) và chiều cao \(h\) của cột khí, ghi vào bảng 1.


Xử lý dữ liệu
Do ống khí có dạng hình trụ nên từ chiều cao cột khí, ta có thể tính được thể tích khí qua công thức
\(V=\frac{\pi d^2}{4}\cdot h,\)trong đó \(d\) là đường kính của ống khí. Giá trị \(V\) tính được ghi vào bảng 1. Từ bảng 1 vẽ đồ thị phụ thuộc của thể tích theo nhiệt độ, từ đó đánh giá về quy luật phụ thuộc này. So sánh với định luật Gay-Lussac (2):
\(V\sim T.\)Hãy dùng đường thẳng để khớp giá trị thực nghiệm, đồng thời ngoại suy đường thẳng này bằng cách kéo dài về bên trái, tìm giao điểm của nó với trục hoành như hình 6. Thử hình dung xem, cần phải hạ nhiệt độ thấp xuống đến giá trị bao nhiêu, sao cho thể tích đạt giá trị nhỏ nhất bằng \(0\) (thể tích không thể âm)? Đó chính là nhiệt độ thấp nhất trong tự nhiên, hay còn gọi là độ \(0\) tuyệt đối.

Lưu ý: Độ \(0\) tuyệt đối được tìm ra trên thực tế bằng cách ngoại suy tương tự như trên, nhưng chỉ là ngoại suy. Ta không thể hạ nhiệt độ của khí trong bình mãi xuống được, vì khí sẽ đậm đặc, rồi hoá lỏng… và thay đổi tính chất, không tuân theo định luật Gay-Lussac nữa.